Dấu hiệu sớm nhất đột quỵ và cách xử trí kịp thời

Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam và đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng sau điều trị. Hầu hết các cơn đột quỵ đều xảy ra đột ngột, cần có sự chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời. Nhận biết đột quỵ ngay từ sớm chính là yếu tố then chốt để gia tăng cơ hội chữa trị và phục hồi cho người bệnh.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ và tai biến mạch máu não được hiểu là một dạng tổn thương đột ngột ở não, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút (do bị thiếu oxy và dinh dưỡng).

Đây là căn bệnh cấp tính cực kỳ nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trước đây, đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình 2% mỗi năm.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ

Có 3 nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đột quỵ não:

  • Cục máu đông di chuyển, tắc trong động mạch lên não.
  • Xơ vữa động mạch, lượng cholesterol cao tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
  • Bệnh cao huyết áp gây áp lực lớn cho thành mạch, lâu ngày có thể khiến mạch máu bị rạn nứt, dẫn đến vỡ mạch máu.

Các yếu tố nguy cơ đột quỵ:

  • Người trên 55 tuổi thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ.
  • Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,25 lần so với nữ giới.
  • Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ.
  • Người mắc các bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường…
  • Thừa cân, béo phì hoặc lười vận động.
  • Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ do tắc mạch máu.
  • Sinh hoạt không đúng giờ giấc, thường xuyên tắm đêm hoặc đi ngủ trễ.

3. Phân loại đột quỵ và dấu hiệu nhận biết

Đột quỵ được chia thành 3 nhóm chính như sau:

3.1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đây là dạng đột quỵ phổ biến nhất, xảy ra khi động mạch não của người bệnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, dẫn đến giảm tuần hoàn máu lên não.

Có hai loại đột quỵ thiếu máu cục bộ chính:

  • Đột quỵ huyết khối: Do sự tồn tại của cục máu đông (huyết khối) được hình thành trong động mạch ở não.
  • Đột quỵ tắc mạch: Cục máu đông được hình thành ở một vị trí khác trên cơ thể, gây tắc mạch máu đến não.

Cách nhận biết đột quỵ do thiếu máu cục bộ:

  • Đau đầu, chóng mặt đột ngột với mức độ dữ dội.
  • Một bên mặt rũ xuống.
  • Tê hoặc yếu cánh tay hoặc chân (thường xảy ra một bên của cơ thể).
  • Thay đổi thị lực đột ngột, đặc biệt ở một bên mắt.
  • Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc đôi khi người bệnh nói nhảm.
  • Lú lẫn, mất nhận thức.
  • Cơ thể mất thăng bằng, đi lại khó khăn.

3.2. Đột quỵ do xuất huyết não

Đột quỵ do xuất huyết não là bệnh lý cấp tính do mạch máu não đột ngột vỡ ra, chảy máu vào bên trong nhu mô não, làm tổn thương não. Bệnh gây chết mô não một cách nhanh chóng, đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao.

Cách nhận biết đột quỵ do xuất huyết não:

  • Tê hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân.
  • Đau đầu, chóng mặt, khó nuốt.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Giảm tỉnh táo, giảm nhận thức xung quanh.
  • Co giật.
  • Mất ý thức hoặc hôn mê.

Khi gặp tình trạng này, người thân nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

3.3. Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

Tình trạng này còn được gọi là đột quỵ nhỏ hoặc tai biến mạch máu não thoáng qua (TIA – Transient Ischemic Attack). Bệnh được gây ra do động mạch não bị bít tắc tạm thời (thông thường dưới 10 phút), sau đó lưu thông lại được.

Bệnh được tiên lượng tốt hơn, chưa gây tổn thương não nghiêm trọng. Tuy nhiên, những cơn thiếu máu não thoáng qua cứ liên tục kéo đến thì đây được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.