Đến nay ung thư vẫn là một trong những bệnh nan y của thế giới chưa tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Người bị ung thư không chỉ phải chịu nỗi đau về thể xác mà nó còn làm bào mòn tinh thần của họ. Một trong những bệnh ung thư nguy hiểm được chỉ ra đó là ung thư xương. Chúng ta cần nắm rõ các dấu hiệu ung thư xương giai đoạn đầu để có những biện pháp can thiệp kịp thời, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục:
Ung thư xương là bệnh lý gì
Ung thư được biết đến là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh các tế bào một cách bất thường, mất kiểm soát. Các tế bào tăng sinh đó sẽ xâm lấn vào các mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hay di chuyển đến các mô, cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh ung thư xương là các tế bào xương tăng sinh mất kiểm soát. Sự xuất hiện của các khối u ác tính này đặc biệt nguy hiểm, nó phát triển một cách nhanh chóng, gây ra đau đớn cho người bệnh.
Có hai loại ung thư xương chính đó là:
- Ung thư xương nguyên phát: Loại này được đánh giá nghiêm trọng hơn so với loại còn lại. Tế bào ác tính phát triển trực tiếp trong xương hoặc các mô xung quanh xương ví dụ như sụn. Tỷ lệ gặp khá hiếm, chỉ khoảng 1%. Thường gặp ở các đối tượng là người trẻ tuổi dưới 30 tuổi, có 10% là gặp ở người từ 60-70 tuổi. Vị trí thường gặp là xương tay, xương chân hoặc xương chậu.
- Ung thư xương thứ phát (di căn từ nơi khác đến xương): Các loại ung thư xương thứ phát thường gặp là đa u tủy, Sarcoma xương (Osteogenic Sarcoma), Sarcoma sụn (Chondrosarcoma), Ewing’s Sarcoma.
Nhưng thông thường thuật ngữ “ung thư xương” không sử dụng cho những trường hợp ung thư di căn. Trường hợp này người ta sẽ gọi tên theo nơi bệnh khởi phát như ung thư phổi di căn xương, ung thư vú di căn xương…
Theo thống kê thì người trẻ tuổi được coi là đối tượng của ung thư xương khi tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhóm tuổi còn lại. Điều này được giải thích là do trong độ tuổi này xương và sụn của họ đạt điểm trưởng thành. Khối u thông thường sẽ phát triển từ dưới vỏ xương và nó sẽ hủy hoại phần xương nơi nó khu trú. Bất cứ vị trí xương nào trên cơ thể cũng có khả năng xuất hiện tế bào ung thư nhưng theo nghiên cứu thống kê thì tỷ lệ ung thư của các vị trí xương là khác nhau:
- Có đến 50% số người ung thư xương xuất hiện các tế bào ung thư tại các xương dài như xương tay hoặc xương chân.
- Gần 50% thì tế bào ác tính xuất hiện tại đầu dưới xương đùi hoặc đầu trên xương chày hay vùng xung quanh khớp gối.
- Một số ít còn lại thì ung thư tại xương chậu hoặc đầu trên xương đùi.
Cẩn trọng với các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư xương giai đoạn đầu
Có thể nói các dấu hiệu cảnh báo ung thư xương sớm khá mờ nhạt và dễ bị nhầm lẫn. Nhưng cũng không nên vì thế mà chúng ta chủ quan, bỏ quan cho bất cứ bất thường nào của cơ thể. Dưới đây là các dấu hiệu ung thư xương giai đoạn đầu cần chú ý:
Triệu chứng Đau
Đây có thể coi là dấu hiệu phổ biến nhất. Đau thường xuất hiện nhất tại các vị trí xương dài của cơ thể bao gồm cả xương cánh tay và xương chân. Cơn đau lúc đầu có thể là ngắt quãng, sau có thể xuất hiện thường xuyên hơn khi bị chấn thương hay tập luyện với cường độ cao. Cả hai trường hợp đều phát hiện thấy nhiều tại đối tượng là người trẻ do ảnh hưởng của u xương ác tính. Khi điều tra về các bệnh nhân bị ung thư xương họ nói rằng triệu chứng này xuất hiện trước 3 tháng khi họ được chẩn đoán về bệnh.
Đau trong bệnh ung thư xương này sẽ nặng hơn khi bạn vận động hoặc vào ban đêm. Một số ung thư xương tạo xương có biểu hiện đau gây ra những ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh như:
- Đi lại khập khiễng.
- Gặp khó khăn khi di chuyển.
- Sưng tấy và đau các khớp khiến việc cử động không đạt được giới hạn.
- Đoạn có khối u có thể bị gãy kể cả khi cử động bình thường.
- Đau nhức xương trong một thời gian dài.
Triệu chứng Sưng tấy
Sưng tấy có thể kèm theo đau gặp ở người bị ung thư xương. Đây là một trong những dấu hiệu sớm có tính cảnh báo cho người bệnh. Chúng ta có thể sờ được nếu khối u phát triển tại vị trí có thể sờ được. Tùy thuộc vào loại ung thư xương mà biểu hiện bệnh có thể gặp tại một hay nhiều vị trí khác nhau.
Triệu chứng Gãy xương bệnh lý
Khác với gãy xương thông thường xảy ra sau khi va đập mạnh, chấn thương thì gãy xương bệnh lý trong ung thư xương là do khối u phát triểu, xương bị suy yếu do mầm bệnh. Vị trí gãy thường gặp sẽ ở gần khối u. Người bệnh có cảm giác đau cơn đau đột ngột trong xương kéo dài nhiều tuần hay trong nhiều tháng. Hoặc có một số trường hợp sau chấn thương, tai nạn gãy xương khi chụp chiếu, xét nghiệm người ta phát hiện được ung thư xương hay các khối u ác tính tại xương.
Các triệu chứng toàn thân
Ngoài các triệu chứng có liên quan trực tiếp đến xương thì bệnh ung thư xương này còn ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bởi vậy mà biểu hiện giai đoạn sớm của ung thư xương chúng ta cũng cần chú ý đến các dấu hiệu toàn thân. Cụ thể là các triệu chứng dưới đây:
- Sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi
- Ngoài ra nếu ung thư đã di căn đến cơ quan, bộ phận nào thì sẽ có dấu hiệu đặc trưng của cơ quan đó. Ví dụ như di căn đến phổi người bệnh sẽ thấy khó thở.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư xương là do đâu
Tỷ lệ ung thư xương nguyên phát khá hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong các loại ung thư hiện nay. Cho đến nay thì các chuyên gia y học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh của ung thư xương nguyên phát. Một số người lớn tuổi bị Paget xương (có sự phát triển bất thường của tế bào xương) cũng có thể tiến triển thành ung thư xương.
Ngoài ra người ta nhận thấy yếu tố di truyền cũng phần nào liên quan gây ra bệnh ung thư này. Cụ thể là:
- Trong gia đình có người mắc hội chứng Li – Fraumeni
- Trong gia đình có người mắc hội chứng Rothmund – Thomson
- Trẻ em bị mắc u nguyên bào võng mạc di truyền
Tất cả các trường hợp này đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương.
Một số nguyên nhân khác cũng có thể kể đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Người bị rối loạn gene ức chế ung thư P53
- Người bị chấn thương mạn tính ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày
- Người bị Sarcoma xương, Sarcoma sụn, ESFTs…
- Đã sử dụng phương pháp xạ trị trước đó.
- Người đã hóa trị các bệnh ung thư khác
Phương pháp chẩn đoán ung thư xương
Các phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện, đánh giá mức độ, giai đoạn ung thư xương gồm có:
- Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này nên thực hiện đầu tiên khi người bệnh phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh. Thông qua hình ảnh phim chụp X-quang bác sĩ có thể thấy được hình ảnh màng xương, gián đoạn xương mất chất khoáng, các tổn thương do ung thư…
- Sinh thiết: Có thể nói đây là phương pháp chẩn đoán ung thư xương chính xác nhất. Người ta sẽ tiến hành chọc tại vị trí xương bị tổn thương đem gửi đến phòng xét nghiệm. Kết quả sẽ cho biết chính xác bạn có bị ung thư xương, loại ung thư mắc phải và mức độ bệnh.
- Chụp Cắt lớp vi tính: Dùng để phát hiện hình ảnh u xương, cho biết chính xác kích thước, hình ảnh và vị trí của khối u.
- Chụp PET: Đây là phương pháp mà người ta thực hiện bằng cách đưa một lượng nhỏ glucose phóng xạ đi vào mạch máu. Chất này cũng di chuyển tại các mạch máu nuôi xương. Máy ghi hình ảnh sẽ lấy đó làm căn cứ kết luận.
- Chụp xạ hình xương: Phương pháp này cũng sử dụng chất phóng xạ đưa vào mạch máu. Khi chụp sẽ thể hiện rõ trên hình ảnh trong máy xạ hình về cấu trúc xương và những bất thường.
- Chụp MRI: Giúp phát hiện khối u, và xem có xâm lấn tủy hay các mô xung quanh không.
Các giai đoạn của ung thư xương và tiên lượng sống
Ung thư xương được chia làm 4 giai đoạn và tỷ lệ sống trên 5 năm của từng giai đoạn lần lượt là:
- Giai đoạn I: Ở giai đoạn này các tế bào ác tính chỉ giới hạn trong xương và chưa lây lan sang các khu vực khác. Kết quả sinh thiết cho thấy đây là ung thư cấp thấp và không được xem là tích cực. Tỷ lệ sống trên 5 năm là 80%.
- Giai đoạn II: Tại giai đoạn này tế bào ung thư cũng chỉ nằm tại xương và chưa lây lan. Nhưng kết quả sinh thiết ung thư lại cho cấp cao và được xem là tích cực. Tỷ lệ sống trên 5 năm giảm còn 70%.
- Giai đoạn III: Tế bào ung thư di căn đến nơi khác, ung thư xảy ra tại 2 hay nhiều nơi. Tỷ lệ sống trên 5 năm là 60%.
- Giai đoạn IV: Tế bào ung thư lan rộng từ xương đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể chẳng hạn như gan, não, phổi. Tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn từ 20-50%.
Tỷ lệ sống sót của những người bị ung thư xương tùy thuộc vào loại mắc phải, , mức độ phát triển của các tế bào gây ung thư. Theo đó thì giai đoạn càng muộn tỷ lệ sống càng thấp. Điều đó có nghĩa là việc phát hiện những dấu hiệu ung thư xương giai đoạn đầu là yếu tố vô cùng quan trọng giúp tăng tỷ lệ sống cho người bệnh.
Các phương pháp chữa ung thư xương hiện nay
Có thể nói việc điều trị ung thư được ví như chúng ta đang chiến đấu với nó. Trong thời đại y học hiện đại tiến bộ một cách như vũ bão thì việc chẩn đoán cho kết quả chính xác cao. Việc điều trị và chăm sóc cho những người bị ung thư đòi hỏi phải cá nhân hóa, được cung cấp bới các cơ sở y tế hàng đầu cùng đội ngũ chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Phương pháp điều trị ung thư xương sẽ được quyết định phụ thuộc vào việc đánh giá nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, giai đoạn ung thư, kích thước và vị trí khối u…
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị chính đang được áp dụng đó là:
- Phẫu thuật: Mục đích của phương pháp này chính là loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bỏ khối u và một phần các mô xung quanh nó hoặc thay thế phần xương bị hư hỏng. Nó giúp ngăn chặn việc lây lan nhanh chóng của các tế bào ác tính.
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Người bệnh sẽ nằm trên bàn, thiết bị phát chùm năng lượng sẽ di chuyển xung quanh và nhắm chùm năng lượng tại các điểm chính xác trên cơ thể.
- Hóa trị: Là phương pháp sử dụng hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc thường được truyền qua đường tĩnh mạch để có thể đi khắp cơ thể.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ
Như chúng ta đã biết thì dấu hiệu ung thư xương giai đoạn đoạn sớm thường khá nghèo nàn và rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nhau của cơ thể. Vì vậy để phát hiện sớm và đi khám, chẩn đoán chính xác bệnh là điều không dễ. Ví dụ như các triệu chứng đau nhức, sưng tấy thì trong các bệnh cơ xương khớp thông thường hay chấn thương là không hiếm gặp. Rất nhiều người chủ quan mà bỏ qua những dấu hiệu như vậy. Nếu các dấu hiệu kể trên mà xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, kéo dài thời gian hay tăng dần mức độ cùng với sự xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường khác thì chúng ta nên chủ động đi khám tại các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt.
Đặc biệt đối với những người đã từng bị ung thư và tiếp nhận xạ trị nhất định phải thận trọng với những dấu hiệu cảnh báo ung thư xương giai đoạn sớm nhằm phát hiện ung thư xương sau xạ trị để được điều trị kịp thời.
Mặc dù ung thư xương là một bệnh nan y nhưng chỉ cần chúng ta chú ý những dấu hiệu ung thư xương giai đoạn đầu nhằm phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ kéo dài tuổi thọ vẫn rất khả quan. Không những vậy yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị. Tâm lý thoải mái, tích cực cũng hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh rất nhiều. Hãy thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên là cách bạn đang nâng cao sức khỏe cho chính bản thân mình.