Hằng năm, trên thế giới có gần 15 triệu người bị đội quỵ, trong số này có 5 triệu người tử vong; 5 triệu người khác bị thương tật vĩnh viễn, tạo gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Đột quỵ cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tàn tật; một nửa số người sống sót sau đột quỵ bị tàn tật và hơn một phần ba phụ thuộc vào người chăm sóc. Trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, đột quỵ xếp hàng thứ 2.
Đột quỵ thường xảy ra với người từ 40 tuổi trở lên. Khi xảy ra, nguyên nhân chính là tăng huyết áp. Tuy nhiên, đột quỵ cũng xảy ra khoảng 8% trẻ em mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, song song với phải đáp ứng mức độ cao nhất các biện pháp phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện vừa phải đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh khác, đặc biệt là các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm.
“Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sau COVID-19 là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ… Đây là nhóm các bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam“, theo PGS Khuê nói tại Hội thảo liên quan việc khám chữa bệnh đột quỵ, ngày 8/12.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đáng nói, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng. PGS.TS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện Bạch Mai – cho hay chỉ trong 1 năm thành lập, Trung tâm tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân, trong đó có gần 2.200 ca đột quỵ (chiếm hơn 60%), gần 1.300 ca nhồi máu. Hiện Trung tâm này chỉ mới “biên chế” 46 giường bệnh, 13 bác sĩ và 27 điều dưỡng.
Năm 2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 47 quy định việc tổ chức khám chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực hiện Thông tư này, hiện nay tại tuyến Trung ương, có 4 trung tâm đột quỵ thuộc 4 bệnh viện: Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bạch Mai, Đa khoa Trung ương Huế và C Đà Nẵng.