Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não bộ đột ngột bị ngưng trệ do nghẽn hoặc vỡ một nhánh động mạch não, dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê và có khả năng tử vong cao.
Trong một buổi Hội thảo về tình trạng Đột quỵ não mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lê Thị Mỹ – Giảng viên khoa Thần kinh cho biết, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới: Tử vong do đột quỵ não đứng thứ hai sau bệnh tim, mỗi năm có khoảng 5,5 triệu người chết do tình trạng này, ước tính toàn thế giới cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ não, hiện nay có khoảng 80 triệu người bị đột quỵ, năm 2016: tỷ lệ mới mắc 9,5 triệu người, năm 2017 đã có 2,7 triệu người chết do đột quỵ.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ cho biết. theo chuyên môn y học thì đột quỵ não còn có các tên gọi khác như:
+ Đột quỵ thiếu máu não
+Đột quỵ nhồi máu não thầm lặng hệ thần kinh trung ương
+Chảy máu nhu mô
+ Đột quỵ não do chảy máu nhu mô
+ Chảy máu não thầm lặng
+ Chảy máu dưới nhện
+ Đột quỵ não do chảy máu dưới nhện
Bác sĩ Lê Thị Mỹ đưa ra các nguyên nhân gây nên đột quỵ não đó là: Huyết áp cao chiếm tới 80% trong các trường hợp đột quỵ, ngoài ra còn do xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim, vỡ phình mạch máu não…Đặc biệt tình trạng này rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh tiểu đường hoặc mỡ máu cao, bệnh tim mạch, béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu.
Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ não: Hạ đường huyết, u não, co giật, chóng mặt, tình trạng lú lẫn, mất ý thức, ngã, yếu toàn thân, tiểu không tự chủ, mất trí nhớ, rối loạn cảm giác ở 1 chi hoặc mặt, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê.
Một số chẩn đoán đột quỵ não: Mất cảm giác, mất vận động, mất nói, mất thị lực, giật chân tay, kim châm, rối loạn thị giác kiểu nhìn vệt chớp sáng, đau đầu, ngất, mất trí toàn bộ thoáng qua, rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi, liệt mặt, yếu tay.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ hướng dẫn các cách xử trí trường hợp đột quỵ não: Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên cần gọi ngay xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi di chuyển nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
Cách phòng ngừa đột quỵ não: Để phòng ngừa đột quỵ não cần tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường, nên ăn nhiều rau, củ, trái cây. Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã phát hiện huyết áp cao phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ.
Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, hằng năm cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000 – 8.000 người bệnh đột quỵ. Ngày 9/11/2020 Bệnh viện Bạch Mai khánh thành Trung tâm đột quỵ – nơi chuyên tiếp nhận, chăm sóc. điều trị và quản lý các bệnh nhân đột quỵ. Hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Vì vậy việc thành lập Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai là bước phát triển quan trọng, nâng cao chất lượng chăm sóc phù hợp với thực tiễn nhu cầu của xã hội cũng như quy đinh của Bộ Y tế.
Theo ông Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, 1/10 trong đó là bệnh nhân trẻ tuổi và trẻ nhất mới 14 tuổi. Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, hiện nay có 10 bệnh nhân trẻ đang nằm điều trị tại Trung tâm đột quỵ.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần xây dựng một trung tâm/khoa điều trị đột quỵ trong thời gian từ nay đến năm 2025 (hiện cả nước mới có 11 trung tâm). Thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ người trẻ đột quỵ tăng khoảng 2%/năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh, hiện đại hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân đột quỵ.